1. Blockchain
Bitcoin là một trong những phát kiến thú vị nhất trong năm 2017 của thế giới kỹ thuật số. Đi kèm với nó là những lĩnh vực với tiềm năng khai thác lớn của công nghệ blockchain.
Công nghệ Blockchain là một giải pháp thiết thực cho việc lưu trữ, xác thực và bảo vệ dữ liệu với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao. Đặc biệt blockchain còn có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian xác nhận thông tin với các nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong hệ thống.
Những ứng dụng của ông nghệ Blockchain đang được nghiên cứu và khai phá trong nhiều lĩnh vực như Tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Gần đây Commerzbank AG, Bank of Montreal, Erste Group Bank và CaixaBank SA đã tham gia vào dự án của UBS Group và IBM nhằm xây dựng công nghệ dựa trên blockchain để hỗ trợ các giao dịch tài chính thương mại.
2. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc sao cho gần giống với khả năng xử lý của con người nhất.
Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo như: các hệ thống nhận diện tích hợp công nghệ AI, trợ lý ảo, chương trình tự động, xe tự hành… đang ngày càng trở nên phổ biến. Điển hình có thể kể đến ứng dụng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt Alipay đang được triển khai rầm rộ tại Trung Quốc hay trợ lý ảo Amazone Alexa, Google Assistant.. được các ông lớn về công nghệ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và pháp triển nhằm hỗ trợ người dùng tốt hơn.
3. Thực tế ảo (VR) và Thực tế ảo tăng cường (AR)
Hàng loạt ứng dụng công nghệ thực tế ảo đang được tạo ra và phát triển bởi Google, Microsoft, Facebook (Oculus Rift),… Điển hình như, tháng 4/2017, Facebook đã chính thức ra mắt Spaces – mạng xã hội VR mới cho phép người dùng gặp nhau, tương tác với nhau trong một không gian riêng qua các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh đại diện cho họ. Ở đây, các kết nối không dừng lại ở tin nhắn mà còn có âm thanh và ngôn ngữ cơ thể để người dùng có thể tán gẫu, vẽ, xem video 360 độ, thực hiện cuộc gọi video trên ứng dụng Messenger và chụp ảnh selfie nhân vật hoạt hình đại diện cho mình; Microsoft đang phát triển kính thực tế ảo Halolens nhằm cho phép con người tương tác với bức tường, mặt bàn không khác gì trong phim khoa học viễn tưởng…
4. Internet kết nối vạn vật (IoT)
Ý tưởng về kết nối vạn vật (IoT) đã xuất hiện từ nhiều thập kỉ trước. Hiểu một cách đơn giản, IoT là mạng lưới tất cả các thiết bị như điện thoại thông minh, máy giặt, bóng đèn, máy pha cafe… có thể kết nối với nhau, trao đổi dữ liệu thông qua Internet (Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại…).
Theo ước tính của Cisco, Internet of Things sẽ đạt con số 50 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2020. Còn theo dự kiến của IDC, đến năm 2019, toàn cầu sẽ chi 1.300 tỉ đô la Mỹ cho IoT. Những sản phẩm IoT nổi bật,có thể kể đến hệ thống bảo vệ “siêu an toàn” chỉ 499 USD, mang tên Nest Secure của INest – công ty con của Alphabet (công ty mẹ của Google). Hệ thống bao gồm cảm biến nhận dạng chủ nhân bằng cách vẫy thay vì dùng mật khẩu và ứng dụng kiểm soát ngôi nhà từ xa cài sẵn vào smartphone. Nếu kẻ gian cố gắng xâm nhập, cảm biến lập tức ghi nhận và cảnh báo thông qua loa với âm lượng lên tới 85 decibel.
5. Dữ liệu lớn (Big Data)
Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà những công cụ xử lí dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được. Những dữ liệu này nếu xử lý thành công sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dự báo…
Trên thực tế, Google, Youtube, Facebook,… sở hữu nguồn thông tin cực lớn về những thói quen của người dùng, từ nội dung quan tâm cho tới vị trí rê, nhấn chuột,… Đây là nguồn dữ liệu cực kì quý giá được các công ty sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trước hết, đây là nguồn dữ liệu thô cơ bản phân tích bởi học máy (machine learning) nhằm thu được dữ liệu tin cậy cuối cùng. Nguồn dữ liệu lớn cũng là điều kiện cần để tạo nên những cỗ máy với trí tuệ thông minh vượt khỏi khả năng suy luận của con người.