Tin công nghệ >>

Báo cáo Google – Temasek: Nền kinh tế Internet Việt Nam như con rồng thức giấc


Theo báo cáo mới nhất ngày 19/11/2018 của Google và Temasek, nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo đóng góp vào con số trên 33 tỷ USD, tăng nhanh từ mức 9 tỉ USD năm 2018.

Nghiên cứu hợp tác giữa Google và Temasek được phát hành lần đầu năm 2016, bao gồm các lĩnh vực đi chung xe, thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trên mạng. Báo cáo mới nhất được công bố hôm 19/11, bổ sung thêm các danh mục mới như giao đồ ăn qua mạng, nghe nhạc, xem phim theo yêu cầu.

Việt Nam là nước có tỉ lệ phần trăm GMV (tổng giá trị giao dịch) của nền kinh tế Internet trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 4% trên tổng GDP. Các con số này tại các quốc gia khác trong khu vực lân lượt là: 2.9%, 2.7%, 1.6%, 3.2%, 2.7 % (6 nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan).

Ước tính, GMV (tổng giá trị giao dịch) của nền kinh tế Internet Đông Nam Á đã đạt 72 tỷ USD trong năm 2018, tăng 37% so với năm 2017, trong các lĩnh vực: du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, gọi xe trực tuyến. Con số GMV này được dự báo sẽ vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại điện tử tại Đông Nam Á tăng trưởng gấp đôi: GMV thương mại điện tử vượt 23 tỷ USD trong cùng kỳ và có thể tăng hơn 4 lần để cán mốc 100 tỷ USD năm 2025 nhờ lòng tin của người dùng tăng lên. Những tên tuổi như Lazada của Alibaba, Shopee của Sea và Tokopedia của Indonesia đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này. Tại Việt Nam, quy mô thị trường TMĐT (tính theo GMV) năm 2018 là 2.8 tỷ USD và được dự báo lên tới 15 tỉ USD năm 2025 (sau duy nhất Indonesia trong khu vực).

Ngoài TMĐT, Việt Nam cũng là thị trường được dự báo tăng trưởng tốt (Từ 2015-2018 Việt Nam có mức tăng CAGR là 57%, đứng thứ 2 Đông Nam Á, mức CAGR tính từ 2015-2025 là 27%) ở mảng quảng cáo trực tuyến (năm 2018 đạt 2.2 tỷ USD và sẽ đạt 6 tỷ USD năm 2025, đứng thứ 3 khu vực).

Báo cáo cũng chỉ ra mức tăng trưởng tốt của du lịch trực tuyến với 41% đặt vé trực tuyến trên tổng số đặt dịch vụ du lịch tại Đông Nam Á. Con số này tăng lên 57% tại đây vào năm 2025. Báo cáo dự đoán GMV dịch vụ gọi xe đã đạt 7,7 tỷ USD trong năm 2018, với số lượng người dùng thường xuyên (active user) năm 2018 lên tới 35 triệu USD, tăng hơn 4 lần so với năm 2015. Đặc biệt, các hãng gọi xe trực tuyến (ride hailing) như Grab, Go Jek đang trở thành ứng dụng dùng cho mọi hoạt động hàng ngày tại Đông Nam Á, tiến sâu vào các lĩnh vực giao đồ ăn, tài chính.

Báo cáo chỉ ra 6 mảng vốn được cho là thách thức trong báo cáo năm 2017 nhưng đã cải thiện vượt bậc, đó là: lượng vốn huy động được, hạ tầng Internet, niềm tin người tiêu dùng, nhân tài, logistics, thanh toán.

Báo cáo cũng chỉ ra hiện có 350 triệu người dùng Internet tính tới thời điểm tháng 6/2018, nhiều hơn 90 triệu người dùng Internet so với năm 2015. Sự phổ biến của smartphone và sự phát triển của dịch vụ viễn thông đã góp phần cho sự tăng trưởng này, đưa Đông Nam Á trở thành một trong những nước phát triển mobile (mobile-first) hàng đầu trên thế giới – tạo ra lực lượng người dùng Internet gắn kết nhất thế giới với hơn 90% vào web thông qua smartphone. Hạ tầng 4G cũng phát triển nhanh chóng.

2018 đang trên đà trở thành năm kỷ lục đối với việc gọi vốn của các công ty Internet trong khu vực. Nửa đầu năm nay, đã có 9,1 tỷ USD được gọi thành công, gần bằng cả năm 2017. Singapore và Indonesia vẫn là hai địa chỉ được các nhà đầu tư tin tưởng nhất. Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn đầu tư đổ vào 9 unicorns lớn nhất tại Đông Nam Á: Bukalapak, GoJek, Tokopedia, Traveloka của Indonesia, Grab tại Malaysia, Razer, SEA tại Singapore, VNG tại Việt Nam và Lazada (kể từ 2015 tới H1-2018)

Ngoài ra, lĩnh vực logistics cũng đã có sự tăng trưởng ấn tượng, lĩnh vực thanh toán trực tuyến mặc dù phân mảnh nhưng cũng có những tăng trưởng tốt. Cùng đó, lòng tin người dùng vào nền kinh tế số đã cải thiện đáng kể, đơn cử như số người mua sắm trực tuyến qua kênh TMĐT tăng từ 50 triệu năm 2015 lên 120 triệu năm 2018; các lĩnh vực khác như gọi xe trực tuyến, du lịch trực tuyến… cũng có mức tăng trưởng nhanh chóng. Đặc biệt, báo cáo cho rằng nguồn nhân lực có tay nghề sẵn sàng cho nền kinh tế số tại Đông Nam Á rơi vào mức 100,000 nhân lực làm việc cho các công ty công nghệ, con số này có thể nhân gấp đôi vào năm 2025 tùy vào tình hình thực tế.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào nền kinh tế số.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đầu tư vào các mảng như công nghệ tài chính, y tế, giáo dục cũng đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm gần đây (số liệu không được công bố trong báo cáo). Đặc biệt, các công ty tài chính trong khu vực đã thu hút được hơn 500 triệu USD đầu tư trong nửa đầu năm 2018, gấp 2 lần so với tổng đầu tư năm 2017. Có hơn 300 startup fintech được đầu tư, chủ yếu ở vòng Mầm (Seed) và Vòng A (Series A).



Tin cùng chuyên mục